Nói đến mùa hè, mùa chia tay mái trường người ta hay nhắc đến hoa phượng, thế nhưng không chỉ phượng mà hoa điệp vàng cũng được biết đến là loài hoa của lứa tuổi học trò, của bịn rịn, luyến lưu trước khi rời xa mái trường thân yêu.
Cây điệp già xòe rộng tán yêu thương
Lá lấp lánh cười duyên cùng bóng nắng
Giờ đang học, mảng sân vuông lặng vắng
Chim chuyền cành buông tiếng lạnh bâng quơ
Cả lớp say theo từng nhịp bổng trầm
Điệp từng bông vàng ngây rơi xoay tít
Ngày vẫn xuân, chim từng đôi ríu rít
Sà xuống sân tắm nắng ấm mùa xanh.
Hoa Điệp vàng hay còn gọi là Kim Phượng, Điệp ta, khác với Phượng Vỹ mà người ta hay gọi là Điệp Tây. Kim Điệp thuộc họ đậu, đường kính thân 30 – 50cm, tán rộng và có thể cao đến 15m. Cánh hoa Điệp nở theo từng chùm, thường nở vào tháng 4 đến tháng 8 trong năm.
Không cuồng nhiệt như hoa Phượng, cũng ít ai để ý rằng chúng cũng là loài hoa của tuổi học trò, nhưng Kim Điệp luôn làm tốt vai trò của một loài hoa bịn rịn, quyến luyến nhớ thương. Tình yêu của Kim Điệp có thể sẽ không lãng mạn, cuồng nhiệt, thắm thiết như Phượng Vỹ, nhưng nó thể hiện lòng chung thuỷ sắc son của con người.
Nét đẹp tiềm ẩn của Kim Điệp như một sự thu hút có phần bí ẩn, khiêm tốn mà rất đỗi cao sang. là nguồn cảm hứng của rất nhiều bài thơ ca tuổi học trò.
Không quá đẹp để được trưng trong nhà, không quá lãng mạn để những người đang yêu hái tặng nhau. Nhưng mùa hoa Điệp đến lại gợi cho mỗi người một nỗi niềm riêng sâu lắng khi bước đi giữa những cung đường đầy sắc hoa với những bông vàng nhỏ xinh rơi đầy mặt phố.
Kim Điệp cũng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Màu vàng ánh của sự bình an, phúc khí và quan niệm nhân sinh khiến nhiều hộ gia đình cổ xưa vẫn xem như báu vật. Vì vậy, Kim Điệp thường có mặt trong các nghi thức lễ lộc, thờ cúng tổ tiên gia đình.
Kim Điệp trông giống như một chiếc tháp, chúng thể hiện sự bền vững và mạnh mẽ trong ý chí và tâm hồn con người, không ngừng học hỏi, không ngừng vươn xa. Hình tháp cũng tượng trưng cho sự thành kính và ngưỡng vọng. Nhánh hoa Kim Điệp khi nở tạo thành 4 nhánh con biểu trưng cho bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, mà người ta hay gọi là Tứ Phương Nhất Trụ như một niềm tin vạn điều may mắn và tốt đẹp sẽ được quy về một nơi mà nơi đó chính là gia đình mình.