Tôi viết về loài hoa cỏ may, loài hoa mong manh và cũng hết sức mạnh mẽ. Nó là loài hoa không hương, không sắc, một loài hoa mà người đời né tránh, chẳng ai muốn chạm vào. Chẳng ai gieo, ai trồng, ai sớm hôm chăm chút cắt tỉa, mặc bão táp mưa sa, nó vẫn sống dai dẳng và lan nhanh hơn bất cứ loài hoa cỏ nào.
Loài hoa từng ám ảnh chàng thi sĩ chân quê đa tình Nguyễn Bính thuở nào: “Lòng anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em”. Và một nữ sĩ nữa từng viết: “Cho tôi làm cỏ may để giữ người yêu lại” …Tất cả những hình tượng trong thơ đã để lại trong tôi những xốn xang, bồi hồi đến kỳ lạ.
Hoa cỏ may còn gọi là bông cỏ, thảo tử hoa, trúc tiết thảo.
Tên khoa học Chrysopogon acicuiratus (Retz.) Trivialis Lour.
Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramìneae).
Cây cỏ may là một loại cỏ sống lâu năm, thân rễ cứng mọc bò. Thân mọc bò lan trên mặt đất, mọc đến đâu bén rễ đến đó: Những thân mọc thẳng lên cao 20-50cm, có nhiều đốt, đốt phía gốc ngắn hơn phía trên. Lá mọc so le, lá phía dưới mọc mau, lá phía trên mọc thưa hơn.
Phiến lá hẹp dài 2-10cm, rộng 3-5mm, đầu nhọn, phía cuống tròn, nhẵn. Cụm hoa mọc thành chùy dài 5-10cm, màu tím than, có những nhánh mọc vòng mang hoa mọc thành bông dài 8mm. Quả khi chín có thể móc vào quần áo khi người ta đi qua do đó có tên cỏ may. Và cũng do hình thức này, cây lan từ vùng này sang vùng khác.
Ý nghĩa hoa cỏ may
Hoa cỏ may sắc nhọn, nhức nhối một nỗi niềm đau của tình yêu trong xa cách.
Hoa cỏ may còn mang một ý nghĩa như nhắc nhở những ai đang yêu hãy yêu bằng trái tim, ánh mắt, nụ cười mạnh mẽ, cuồng si.
Nếu ai đó đã từng thực sự một lần đứng giữa đồng cỏ may, thật sự tận hưởng vẻ đẹp, mùi hương của loài hoa nhỏ bé ấy thì mới thực sự biết rằng hoa cỏ may cũng đẹp và thơm không kém gì các loài hoa kiêu sa khác, mùi thơm dịu dịu thoang thoảng mà chỉ có ai thực sự muốn mới cảm nhận được.
Hoa cỏ may là hóa thân của một cô gái giàu có xinh đẹp, cô lỡ yêu thương một anh trai nghèo bố mẹ nàng không chấp thuận và đuổi nàng ra khỏi làng. Vì tình yêu nàng cùng chàng bỏ đi đến một nơi thật xa sống một cuộc sống bình dị. Nhưng cuộc sống cơ cực đã biến nàng từ một tiểu thư khuê các thành một người đàn bà lam lũ. Nhìn người vợ trẻ rất mực yêu thương phải vất vả đầu tắt mặt tối, chàng không an lòng. Chàng trai vì thương vợ nên quyết tâm ra đi làm ăn xa, rồi chàng không trở về. Cô gái đau khổ đi tìm chàng trai, Nàng cứ đi, đi mãi, cho đến một ngày không còn bước đi nổi nữa. Nàng nằm xuống, trong lòng vẫn đau đáu nỗi niềm chờ mong, hy vọng.
Cảm kích trước tình yêu son sắt thủy chung của người vợ trẻ, sau khi nàng chết, Ngọc Hoàng đã hóa phép biến nàng thành một loài hoa cỏ – hoa tình yêu. Người đời gọi loài ấy là hoa Cỏ May.
Hoa màu tím bạc như tình yêu thủy chung của nàng, hình dáng sắc nhọn nhức nhối một mối tình trong xa cách vẫn cố bấu víu vạt áo quần người đi đường hỏi thăm tin tức chàng trai.
Cỏ may mọc hoang ở khắp nơi ở Việt Nam. Còn mọc ở các nước khác vùng châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, nam Trung Quốc.
Cây cỏ may còn là một vị thuốc dùng trong nhân dân. Tại vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, có người dùng cỏ may chữa bệnh da vàng, mắt vàng, bệnh về gan.
Theo sự điều tra của A. Sallet (1931) tại Vinh có người gọi cây này là nam hoàng liên và nhân dân ở Huế và một số tỉnh miền Trung dùng nó chữa bệnh giun. Cũng có người dùng cây hái về phơi khô hay sao vàng, có người chỉ dùng quả.
Từ khóa tìm kiếm nhiều nhất
- Hoa cỏ
- ý nghĩa hoa cỏ may
- cây hoa cỏ may
- hoa co may
- tản mạn hoa cỏ may